Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có giá trị dài hạn nhiều năm và có thể đến trọn đời nên không tránh được những trường hợp khách hàng muốn rút tiền từ hợp đồng. Mặc dù biết là rút tiền bảo hiểm nhân thọ là một trong những quyền lợi của người tham gia nhưng không nên sử dụng bởi sẽ phải ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm.
Nhưng thực sự vì lý do nào đó người tham gia vẫn muốn rút tiền thì vẫn có phương án rút tiền để lựa chọn phù hợp trong từng thời điểm chứ không nhất thiết phải hủy hợp đồng bảo hiểm để tránh bị mất vĩnh viễn quyền lợi bảo vệ. Và rút tiền bảo hiểm cũng phải tuân thủ theo quy định của công ty về thời điểm rút, số tiền rút, mức phí và thủ tục rút như thế nào. Sau đây là 3 cách rút tiền từ hợp đồng bảo hiểm phổ biến nhất.
1/ Rút tiền từ giá trị tài khoản hợp đồng
Giá trị tài khoản hợp đồng là tổng số tiền được tích lũy từ các khoản Phí bảo hiểm do khách hàng đóng sau khi trừ đi các loại phí và chi phí có liên quan cộng với lãi đầu tư nếu có. Tùy mỗi sản phẩm của từng công ty bảo hiểm nhưng thông thường Bên mua bảo hiểm có thể yêu cầu rút tiền từ Giá trị tài khoản hợp đồng khi hợp đồng đã có hiệu lực ít nhất 2 năm.
Khi đó khách hàng gửi yêu cầu bằng văn bản đến công ty và phải đáp ứng các điều kiện của công ty cho từng sản phẩm, ví dụ:
- Số tiền yêu cầu của mỗi lần rút không vượt quá tám mươi phần trăm (80%) Giá Trị Tiền Mặt Thực Trả; và
- Số tiền yêu cầu của mỗi lần rút không thấp hơn giá trị rút tối thiểu theo quy định của Công Ty tại từng thời điểm; và
- Sau khi rút, số dư còn lại trong Giá Trị Tài Khoản Hợp Đồng không thấp hơn mức quy định của Công Ty tại từng thời điểm; và
- Bên Mua Bảo Hiểm phải trả Phí Rút Giá Trị Tài Khoản Hợp Đồng được quy định như sau:
Năm hợp đồng | Phí Rút Giá Trị Tài Khoản Hợp Đồng
(% của số tiền rút từ Giá Trị Tài Khoản Hợp Đồng) |
1 | Không cho phép rút tiền |
Từ Năm Hợp Đồng thứ 02 đến Năm Hợp Đồng thứ 03 | 20% |
Từ Năm Hợp Đồng thứ 04 đến Năm Hợp Đồng thứ 05 | 18% |
6 | 10% |
7 | 8% |
8 | 6% |
Từ Năm Hợp Đồng thứ 9 trở đi | 0% |
* Trích Điều khoản sản phẩm “Gia Đình Tôi Yêu Manulife”
Theo đó, Số tiền bảo hiểm của Quyền lợi bảo hiểm cơ bản sẽ được điều chỉnh giảm tương ứng nếu Giá trị tài khoản hợp đồng sau khi rút nhỏ hơn Số tiền bảo hiểm đó. Vì vậy trước khi rút hãy cân nhắc thật kỹ số tiền rút ra với quyền lợi bảo vệ để có lựa chọn tốt nhất.
2/ Tạm ứng từ Giá trị tài khoản hợp đồng/Giá trị hoàn lại
Giá trị hoàn lại là tổng số tiền Bên mua bảo hiểm được nhận khi yêu cầu chấm dứt hợp đồng hoặc khi hợp đồng chấm dứt theo các quy định của điều khoản của từng sản phẩm. Giá trị hoàn lại hay còn gọi là Giá trị giải ước được xác định bằng Giá trị tài khoản hợp đồng trừ đi Phí chấm dứt hợp đồng.
Trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực, Bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu tạm ứng từ Giá trị tài khoản hợp đồng hoặc giá trị hoàn lại (tùy sản phẩm của mỗi công ty quy định) với điều kiện:
- Hợp đồng đã có hiệu lực ít nhất 2 năm hoặc hợp đồng đã có giá trị hoàn lại
- Và tổng giá trị tạm ứng không vượt quá tám mươi phần trăm (80%) Giá trị hoàn lại sau khi trừ đi các khoản nợ (nếu có) tại thời điểm yêu cầu tạm ứng và không thấp hơn mức tối thiểu do Công ty quy định vào từng thời điểm.
Lãi suất áp dụng cho các khoản tạm ứng được quy định riêng cho từng sản phẩm của mỗi công ty bảo hiểm. Đặc biệt, công ty bảo hiểm có quyền thu hồi toàn bộ số tiền tạm ứng cộng với lãi phát sinh trước khi chi trả bất kỳ quyền lợi bảo hiểm nào nên khách hàng cần tính toán kỹ trước khi quyết định tạm ứng.
3/ Rút toàn bộ Giá trị tài khoản hợp đồng
Trong thời gian hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực, Bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu chấm dứt Hợp đồng trước thời hạn bằng cách thông báo bằng văn bản cho công ty. Bên mua bảo hiểm sẽ nhận được số tiền là Giá trị hoàn lại (nếu có) tính đến thời điểm hợp đồng chấm dứt trừ đi khoản nợ (nếu có) và các quyền lợi liên quan đã thanh toán.
Nhưng đây là trường hợp không nên xảy ra nhất bởi khi hủy ngang hợp đồng khách hàng sẽ vĩnh viễn mất quyền lợi bảo vệ và bảo hiểm nhân thọ cũng chưa phát huy hết lợi ích cho người tham gia. Do vậy, hãy cân đo đong đếm quyền lợi thực sự nhận được trong dài hạn trước khi chấm dứt hợp đồng.
Giống như rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn phải chịu lãi suất không kỳ hạn, tham gia bảo hiểm nhân thọ vẫn có cách rút tiền bảo hiểm tương ứng với từng trường hợp nhưng có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm. Vì thế hãy hiểu rõ về từng trường hợp có thể rút được và làm theo đúng quy định của công ty tương ứng với từng sản phẩm mà bạn tham gia.
=> Đăng ký tư vấn bảo hiểm nhân thọ Manulife ngay để được hỗ trợ giải đáp mọi trường hợp một cách tốt nhất.
Theo thebank.vn