Mục lục
1/ Nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong bảo hiểm
Nguyên tắc trung thực tuyệt đối được áp dụng trong quá trình kê khai thông tin cá nhân của người được bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Đây có thể coi là nguyên tắc quan trọng nhất bởi đó là cơ sở để công ty bảo hiểm đưa ra quyết định có chấp thuận hay không và chi trả những quyền lợi nào.
Mỗi một sản phẩm của từng công ty bảo hiểm sẽ có những quy định riêng về các thông tin cần khai báo trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Ví dụ:
Với sản phẩm bảo hiểm cho tài sản như bảo hiểm ô tô, người mua cần khai báo chính xác nhà sản xuất ô tô, loại xe, năm sản xuất, mục đích sử dụng, số Km đã sử dụng…Bảo hiểm nhà cần khai báo chính xác loại hình ngôi nhà, giá trị ngôi nhà, năm xây dựng, giá trị tài sản bên trong, độ rộng con đường…
Với sản phẩm bảo hiểm con người sẽ có sự khác biệt về độ chi tiết, khắt khe hơn về thông tin của người được bảo hiểm. Bảo hiểm ung thư của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ chỉ cần khai báo đúng tên tuổi, ngày tháng năm sinh, giới tính mà không cần đi khám sức khỏe nhưng cần trả lời trung thực các câu hỏi về lịch sử bệnh ung thư như trong gia đình có từ 2 người trở lên đã từng mắc ung thư không? hay người được bảo hiểm đã từng hoặc có đang trong quá trình kiểm tra, có khối u, ung thư, phát triển ung thư biểu mô tại chỗ của bất kì loại ung thư nào không?…
Khi tham gia bảo hiểm sức khỏe cũng không cần khám sức khỏe nhưng điền đúng thông tin để tính phí như số người tham gia, ngày tháng năm sinh của từng người, giới tính, chọn chương trình chính và mở rộng…
Riêng với bảo hiểm nhân thọ tùy từng đối tượng có thể cần khám sức khỏe hoặc không nhưng tất cả các thông tin cần khai báo đầy đủ và trung thực kể cả lịch sử sức khỏe của gia đình: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, giới tính, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, mối quan hệ với người được bảo hiểm, công việc, nghề nghiệp, cơ quan, thu nhập…
Ngoài ra người được bảo hiểm cần khai báo thêm chiều cao, cân nặng, cân nặng lúc sinh (nếu cần), và trả lời trung thực các câu hỏi như: đã từng được chẩn đoán, điều trị hoặc mắc các triệu chứng như đau ngực, khó thở, suy tim, suy hô hấp, ho kéo dài, vàng da, co giật, hôn mê, run chân tay….
==> Tham khảo cụ thể các thông tin cần khai báo trên Đơn yêu cầu bảo hiểm khi tham gia bảo hiểm nhân thọ Manulife
2/ Nguyên tắc số đông bù số ít trong bảo hiểm
Hoạt động của bảo hiểm nói chung và bảo hiểm thương mại nói riêng đều theo nguyên tắc số đông bù số ít, đây là nguyên tắc cơ bản nhất của bảo hiểm. Khi nhiều người trong một cộng đồng có cùng rủi ro, cùng tham gia đóng góp vào quỹ dự trữ tài chính do doanh nghiệp bảo hiểm quản lý để chia sẻ và hỗ trợ tài chính kịp thời cho ai đó không may mắn nhằm giảm thiểu tối đa tổn thất mà người đó phải chịu.
Theo đó cộng đồng càng đông người tham gia thì tỷ lệ rủi ro càng giảm, điều này làm cho mức phí bảo hiểm phải đóng của mỗi người cũng giảm theo nhưng vẫn đảm bảo được hoạt động của quỹ tài chính chung. Tuy nhiên những người cùng tham gia vào một cộng đồng không cần biết nhau mà chỉ cần dựa trên cơ sở tin cậy và sự đảm bảo của doanh nghiệp quản lý quỹ tài chính thông qua những quy tắc và điều khoản của hợp đồng bảo hiểm.
Chính vì vậy, tất cả các trường hợp khai báo không trung thực và trục lợi bảo hiểm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người còn lại và khả năng chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm nên các doanh nghiệp luôn luôn siết chặt và đảm bảo tính trung thực của người tham gia.
3/ Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm
Theo Khoản 9, Điều 3, Luật kinh doanh bảo hiểm: Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm.
Và theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã phân tách rõ giữa quyền lợi có thể được bảo hiểm của hiểm con người và bảo hiểm tài sản. Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm con người là quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng và các quyền lợi khác đối với người được bảo hiểm, nếu được doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận hoặc pháp luật có quy định. Còn trong bảo hiểm tài sản là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản đối với đối tượng bảo hiểm.
4/ Nguyên tắc khoán
Nguyên tắc khoán được hiểu là số tiền chi trả của công ty bảo hiểm cho người tham gia được ấn định trước trong hợp đồng bảo hiểm. Nguyên tắc khoán áp dụng trong hầu hết các sản phẩm bảo hiểm con người trong đó có bảo hiểm nhân thọ.
Ví dụ: khách hàng tham gia sản phẩm Manulife – Cuộc Sống Tươi Đẹp với Số tiền bảo hiểm 300 triệu. Khách hàng có thể nhận quyền lợi lên đến 325% số tiền bảo hiểm khi được chẩn đoán mắc bệnh lý nghiêm trọng ở bất kỳ giai đoạn nào, tương ứng với số tiền 975 triệu.
5/ Nguyên tắc bồi thường
Nguyên tắc bồi thường được hiểu là sự bù đắp thiệt hại của doanh nghiệp bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra nhằm khắc phục hậu quả cho người tham gia. Nguyên tắc bồi thường đảm bảo người tham gia không thể nhận được số tiền chi trả nhiều hơn mức độ tổn thất mà họ gánh chịu. Nguyên tắc bồi thường chỉ áp dụng trong bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
6/ Nguyên tắc nguyên nhân gần
Nguyên nhân gần là nguyên tắc phức tạp nhất vì thế TheBank xin phép trích đoạn dịch của tác giả Doãn Quỳnh Trang trên trang Kiến thức bảo hiểm như sau:
“Nguyên nhân gần là nguyên nhân tích cực đủ sức gây ra sự vận hành một chuỗi các sự cố dẫn đến một kết quả không bị một lực từ bên ngoài nào can thiệp vào, mà lực ấy có nguồn gốc độc lập, mới, phát sinh và hoạt động tích cực.”
Qua 6 nguyên tắc bảo hiểm trên, khách hàng không chỉ hiểu hơn về các sản phẩm bảo hiểm, ngành bảo hiểm mà còn nâng cao được trách nhiệm của bản thân đối với chính số tiền mình tham gia vào bảo hiểm và với cộng đồng những người cùng chia sẻ rủi ro.
Theo thebank.vn