Phân biệt rõ giải thể và phá sản doanh nghiệp bảo hiểm
Giải thể là khi doanh nghiệp bảo hiểm chấm dứt hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Sau khi giải thể, doanh nghiệp bảo hiểm bị đóng mã số thuế và không còn tồn tại trên sổ đăng ký kinh doanh.
Phá sản là khi doanh nghiệp bảo hiểm không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, ngay cả sau khi áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán mà vẫn mất khả năng thanh toán.
Cả giải thể và phá sản đều được thực hiện theo quy định của Pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên phá sản có tính bắt buộc do mất khả năng thanh toán, còn giải thể có tính tự nguyện nhiều hơn, ngoài ra tính bắt buộc của giải thể là do có hành vi vi phạm quy định Pháp luật về hoạt động kinh doanh.
Quy định về giải thể doanh nghiệp bảo hiểm
Theo Điều 82. Giải thể doanh nghiệp bảo hiểm của Luật kinh doanh bảo hiểm quy định:
1. Doanh nghiệp bảo hiểm giải thể trong các trường hợp sau đây:
Tự nguyện xin giải thể nếu có khả năng thanh toán các khoản nợ;
Khi hết thời hạn hoạt động quy định trong giấy phép thành lập và hoạt động mà không có quyết định gia hạn;
Bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại các điểm a, b, đ và e khoản 1 Điều 68 của Luật này bao gồm:
- Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin cố ý làm sai sự thật;
- Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động mà không bắt đầu hoạt động;
- Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung quy định trong giấy phép thành lập và hoạt động;
- Không bảo đảm các yêu cầu về tài chính để thực hiện các cam kết với bên mua bảo hiểm.
Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc giải thể doanh nghiệp bảo hiểm phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.
Như vậy trước khi giải thể, doanh nghiệp bảo hiểm phải nộp Bộ Tài chính một bộ hồ sơ đề nghị giải thể và được sự chấp thuận của Bộ Tài chính.
Theo Khoản 2 – Điều 23 Nghị định 73/2016/NĐ-CP. Bộ hồ sơ giải thể của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm:
- Đơn đề nghị giải thể, chấm dứt hoạt động theo mẫu do Bộ Tài chính quy định;
- Quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ công ty (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm), Quy chế tổ chức và hoạt động (đối với chi nhánh nước ngoài);
- Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp quy định tại các điểm a (đối với trường hợp đề nghị gia hạn nhưng không được tiếp tục gia hạn), điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
- Bằng chứng chứng minh doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (trong trường hợp tự nguyện giải thể, chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này) đã thực hiện hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản và cam kết không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc cơ quan trọng tài, gồm các tài liệu sau:
- Báo cáo việc thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định pháp luật;
- Báo cáo việc thực hiện các nghĩa vụ nợ đối với bên mua bảo hiểm, bao gồm cả việc thanh toán các nghĩa vụ đến hạn theo hợp đồng bảo hiểm và chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo quy định (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài);
- Báo cáo việc thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước và các chủ nợ khác;
- Bản sao công chứng giấy xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế;
- Các tài liệu chứng minh khác (nếu có).
- Giấy phép thành lập và hoạt động.
Người tham gia có được đảm bảo quyền lợi khi công ty bảo hiểm giải thể?
Một trong những lo lắng nhiều nhất của khách hàng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ là liệu công ty bảo hiểm có bị phá sản hay có bị giải thể không bởi phí bảo hiểm nộp vào quỹ tài chính của công ty và công ty chịu trách nhiệm chi trả các quyền lợi bảo hiểm.
Nhưng người tham gia hoàn toàn yên tâm là quyền lợi bảo hiểm vẫn luôn được đảm bảo vì đã có Bộ tài chính giám sát và có quy định chặt chẽ trong Luật kinh doanh bảo hiểm. Theo điều 74: Doanh nghiệp bảo hiểm phải chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác khi giải thể. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm giải thể mà không thỏa thuận được việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác thì Bộ Tài chính chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao.
Tóm lại, Bộ tài chính quản lý và quy định chặt chẽ về trường hợp giải thể doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của người tham gia bằng cách chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác. Vì vậy, khách hàng hãy an tâm tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài hạn.
Nguồn TheBank